Tô tường một trong những hạng mục quan trọng trong quá trình thi công xây dựng nhà. Lớp trát tường không chỉ góp phần làm tăng tính thẩm mỹ mà còn góp phần bảo vệ kết cấu, độ bền của công trình.
Quá trình thi công xây dựng, Việt Quang đã gặp nhiều trường hợp khách hàng thắc mắc “Tại sao bức tường này không tô dày hơn? Tô tường như này đã đúng kỹ thuật chưa? Tô tường dày bao nhiêu là hợp lý?”,…Do đó, trong phạm vi bài viết hôm nay chúng tôi xin được chia sẻ chi tiết về kỹ thuật tô tường tiêu chuẩn trong thi công xây dựng. Hy vọng qua bài viết này Quý vị có thể giải đáp các thắc mắc của mình về độ dày lý tưởng trong tô trát tường.
Tô trát tường trong xây dựng là gì?
Trong thi công xây dựng tô trát tường là một hạng mục quan trọng và không thể thiếu góp phần hoàn thiện công trình. Quá trình tô tường sử dụng vữa (gồm cát, nước, xi măng được pha trộn theo tỷ lệ nhất định) trát lên bề mặt tường thô. Thợ thi công là người trực tiếp thực hiện công việc này nhằm tạo nên một mặt tường bằng phẳng.
Lớp vữa được sử dụng trong kỹ thuật tô tường có tác dụng:
- Làm đẹp, tăng thẩm mỹ
- Bảo vệ kết cấu
- Tránh các tác động cơ học đến mặt tường
- Tránh các tác động ăn mòn sinh, hóa từ môi trường
- Giảm tốc độ gia nhiệt khi lửa cháy
- Giữa cho lớp sơn bền màu và mịn hơn
- …
Hạng mục tô tường sẽ được thực hiện sau khi đội ngũ kỹ sư hoàn thành các hạng mục ngầm bên trong lớp trát như: Điện, nước…
Yêu cầu kỹ thuật tô tường như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 4.2 mục 4 Tiêu chuẩn TCVN 9377-2:2012 quy định độ dày yêu cầu khi tô trát tường như sau:
“Thi công trát
4.2.1 Nếu bề mặt nền trát khô, cần phun nước làm ẩm trước khi trát.
4.2.2 Trường hợp có yêu cầu về độ phẳng, các chi tiết, đường cong với độ chính xác và chất lượng cao, trước khi trát phải gắn lên bề mặt kết cấu các điểm mốc định vị hay trát làm mốc chuẩn tại một số vị trí.
4.2.3 Chiều dầy lớp vữa trát phụ thuộc vào yêu cầu thẩm mỹ, độ phẳng của nền trát, loại kết cấu, loại vữa sử dụng và phương pháp thi công trát.
4.2.4 Chiều dầy lớp trát trần nên trát dầy từ 10 mm đến 12 mm, nếu trát dầy hơn phải có biện pháp chống lở bằng cách trát trên lưới thép hoặc trát thành nhiều lớp mỏng.
4.2.5 Đối với trát tường, chiều dầy khi trát phẳng thông thường không nên vượt quá 12 mm, khi trát với yêu cầu chất lượng cao không quá 15 mm và khi trát với yêu cầu chất lượng trát đặc biệt cao không quá 20 mm.
4.2.6 Chiều dầy mỗi lớp trát không được vượt quá 8 mm. Khi trát dầy hơn 8 mm, phải trát thành hai hoặc nhiều lớp. Trong trường hợp sử dụng vữa vôi hoặc vữa tam hợp, chiều dầy mỗi lớp trát bắt buộc phải nằm trong khoảng từ 5 mm đến 8 mm.
Khi trát nhiều lớp, nên kẻ mặt trát thành các ô quả trám để tăng độ bám dính cho các lớp trát tiếp theo. Ô trám có cạnh khoảng 60 mm, vạch sâu từ 2 mm đến 3 mm. Khi lớp trát trước se mặt mới trát tiếp lớp sau. Nếu mặt lớp trát trước đã quá khô thì phải phun nước làm ẩm trước khi trát tiếp.
4.2.7 Ở những nơi thường xuyên ẩm ướt như khu vệ sinh, phòng tắm rửa, nhà bếp khi trát phải dùng vữa xi măng cát có mác lớn hơn hoặc bằng M7,5 hoặc vữa có khả năng chống thấm để tăng cường khả năng chống thấm và tăng độ bám dính giữa các lớp trát.
4.2.8 Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc khô hanh, sau khi trát 24 h nên tiến hành phun ẩm để bảo dưỡng và phòng tránh hiện tượng rạn nứt trên mặt trát.
4.2.9 Khi trát các lớp trát đặc biệt trên bề mặt kết cấu như trát sần; trát lộ sỏi, trát mài, trát rửa, trát băm (trát trang trí), chiều dầy lớp trát lót tạo phẳng mặt không được vượt quá 12 mm, chiều dầy của lớp trát hoàn thiện bề mặt không được nhỏ hơn 5 mm. Lớp trát mặt ngoài có 5 cách xử lý tạo bề mặt để tạo thành 5 loại trát trang trí khác nhau là:
– Trát sần (trát gai);
– Trát lộ sỏi;
– Trát đá mài (granitô);
– Trát đá rửa (granitê);
– Trát đá băm (granitin).
4.2.9.1 Vật liệu dùng để trát đá trang trí phải được cân đong theo khối lượng hoặc thể tích. Mác vữa và thành phần liều lượng pha trộn vật liệu phải tuân theo yêu cầu của thiết kế.
4.2.9.2 Khi thiết kế không quy định mác vữa hoặc thành phần liều lượng pha trộn vật liệu, có thể căn cứ vào thành phần liều lượng pha trộn theo Bảng 2 và Bảng 3.”
Công tác thi công tô trát tường cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nêu trên để đảm bảo chất lượng, độ bền và tính thẩm mỹ của tường sau khi tô trát. Vì nếu độ dày của lớp trát quá lớn sẽ khiến lớp vữa dễ bị nứt, làm tăng tải trọng và giảm độ bền của công trình.
Những rủi ro gặp phải nếu thực hiện kỹ thuật tô tường không đúng chuẩn
Quá trình thi công tô tường không đúng kỹ thuật, sẽ khiến bức tường xuất hiện nhiều vấn đề. Cụ thể:
- Tường bị nứt xé, nứt chân chim, nứt theo ống điện âm tường làm mất thẩm mỹ của công trình
- Tường xuất hiện các vết nứt dọc theo đà, cột bê tông, khu vực tiếp xúc giữa hai vật liệu khác nhau
- Tường bị rộp, rỗ làm cho nước mưa ngấm từ ngoài vào
- Bề mặt tường hằn vết dụng cụ tô trát, không ke góc,… không đảm bảo thẩm mỹ cho công trình
Bên cạnh những hạn chế nêu trên, việc thi công tô tường sai kỹ thuật còn tác động đến công tác hoàn thiện công trình như: Ốp gạch không đều, khó ke góc cạnh, xuất hiện khe hở khi lắp đặt nội thất,…
Kỹ thuật thi công tô tường tiêu chuẩn
Để tránh mắc phải những rủi ro trên, thực hiện thi công tô tường phải đúng kỹ thuật, đảm bảo theo đúng quy trình dưới đây:
Giai đoạn 1: Chuẩn bị vật tư thi công
Kỹ thuật tô tường đúng chuẩn không thể bỏ qua chất lượng vữa. Vữa tô trát được tạo nên từ cát, xi măng và nước. Vậy nên để vữa đạt độ quyện hoàn hảo, chủ đầu tư cần lựa chọn các vật liệu đạt chuẩn.
- Cát tô: Cần chọn loại cát có độ mịn tốt, đồng đều, sạch, không lẫn tạp chất, được sàng lọc cẩn thận bằng các máy sàng lọc chuyên dụng.
- Xi măng: Trên thị trường có rất nhiều loại xi măng khác nhau, chúng đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng phục vụ nhu cầu tô tường.
Giai đoạn 2: Chuẩn bị trước khi tô trát
2.1 Chuẩn bị bề mặt tường trước khi tô
Trước khi bắt đầu thực hiện tô trát, đội ngũ thi công cần thực hiện kiểm tra bề mặt tường có bị: Gồ ghề, lồi lõm,… hay không, sau đó loại bỏ các phần thừa giúp bề mặt tường bằng phẳng. Và tuyệt đối, không thể bỏ qua bước tưới nước làm ẩm bề mặt tường gạch. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng, tưới nước quá nhiều sẽ làm cho quá trình tô trát trở nên khó khăn.
2.2 Thực hiện đóng lưới mắt cáo
Đóng lưới mắt cáo cho các khu vực tường gạch:
- Các vị trí đục đi ống ME
- Các vị trí tiếp giáp giữa hai vật liệu khác nhau như lanh tô & tường, dầm, đà bê tông & tường gạch, góc cửa,…
- Các vị trí đặt đế ấm của thiết bị ME
Lưu ý: Lưới mắt cáo phải được đóng rộng tối thiểu 15cm sang mỗi bên tính từ tim đường đi ống ME hoặc mỗi bên mạch ghép.
2.3 Chuẩn bị vữa tô trát
Cấp phối vữa tô tường cần phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy định đã được nêu sẵn trong thiết kế thi công. Trường hợp thiết kế thi công không quy định mác vữa, thành phần liều lượng pha trộn vật liệu chủ đầu tư có thể căn cứ vào bảng pha trộn tại tiểu mục 4.2 mục 4 Tiêu chuẩn TCVN 9377-2:2012. Cụ thể:
Giai đoạn 3: Thực hiện tô trát tường
Bước 1: Ghém tường (làm mốc trát tường)
Để ghém tường người thợ cần sử dụng dây dọi, máy laser để định vị vị trí trên tường. Khi đã xác định được vị trí người thợ sử dụng các dụng cụ, vật liệu như: Miếng gạch vỗ, miếng gốm, … gắn lên tường để tạo mốc giúp xác định vị lớp dày của tường chuẩn xác.
Bước 2. Tô hồ dầu các vị trí đóng lưới mắt cáo
Trước khi tô tường cần dùng hồ dầu quét lên các vị trí đóng lưới mắt cáo, trụ, dầm, đà, xà,… Điều này sẽ giúp vữa tô liên kết tốt hơn với tường.
Bước 3: Tô tường
Đầu tiên người thợ cần sử bao hoặc ván gỗ lót ở chân tường để thu gom và tận dụng vữa rơi.
Quá trình thi công tô tường, thợ thi công cần đảm bảo lớp trả có độ dày giao động từ 10 – 15 mm. Trường hợp lớp trát có độ dày vượt quá tiêu chuẩn thì phải trát thành nhiều lớp mỏng, lớp trát trước khô mới trát lớp khác. Riêng với những bức tường buộc phải tô trát 2 lần, thợ thi công phải để mạch vữa hình răng cưa. Khi cho vữa lên tường, cần sử dụng thước nhôm để gạt phẳng và đều theo đúng các vị trí dã ghém trước đó. Sau khi tường se lại, người thợ phải dùng bàn xoa để tạo xoa giúp bề mặt phẳng mịn và chống nứt.
Lưu ý:
- Khi thi công nên trát liên tục một lần xong 1 bức tường để hạn chế giáp mí sau khi tô.
- Khi trát các vị trí cạnh, góc vuông tường thợ thi công phải dùng thước ke góc để kiểm tra cạnh trong và sau quá trình tô tường.
- Thợ thi công nên dùng nivo để kiểm tra độ thẳng, phẳng của tường trong và sau khi tô.
Sau khi hoàn thành kỹ thuật tô tường, thợ sẽ cùng chổi quét sạch cát trên tường và vệ sinh tường sau khi tô xong.
Bước 4: Bảo dưỡng tường sau tô trát
Khi các bước tô trát tường đã hoàn thành, sau 4 – 6 tiếng được tô thợ thi công cần phải tưới nước bảo dưỡng. Quá trình tưới nước bảo dưỡng sẽ được thực hiện 2 – 3 ngày. Trường hợp thời tiết khô hanh, nhiệt độ cao thợ thi công cần thực hiện tưới nước bảo dưỡng thường xuyên để tránh nhiệt độ tác động làm nứt tường.
Chỉ tiêu đánh giá tường tô đạt chuẩn
Sau khi thợ thi công hoàn thành quá trình thực hiện kỹ thuật tô tường, tiếp theo chủ đầu tư và đội ngũ KTS sẽ thực hiện kiểm tra, nghiệm thu chất lượng tường đã tô. Một bức tường được tô trát đạt chuẩn, đúng kỹ thuật cần thỏa mãn các yêu cầu sau:
- Lớp vữa trát dính phải dính kết chắc chắn với kết cấu, không bong rộng. Để kiểm tra độ bám dính, đội kiểm tra chỉ cần gõ nhẹ lên mặt tường trát, những bong rộp sẽ phải thực hiện trát lại.
- Mặt tường sau khi trát phẳng mịn, không bị gồ ghề cục bộ
- Bề mặt vữa không xuất hiện vết chân chim, không có vết vữa chảy, vết hằn của dụng cụ tô trát, các vết lồi lõm, không có các khuyết tật ở góc cạnh, gò chân tường, gờ cửa, các vị trí tiếp giáp với các thiết bị lắp đặt điện, nước,…
- Các đường gờ cạnh của tường thẳng, sắc nét
- Bề mặt lớp vữa sai lệch không vượt quá 1,5 mm
Kỹ thuật tô tường là một trong những công đoạn quan trọng góp phần hoàn thiện, đảm bảo thẩm mỹ và chất lượng công trình. Để thực hiện kỹ thuật tô trát đúng chuẩn, người thợ cần tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong quá trình thực hiện.
Hy vọng qua bài viết này Việt Quang đã giúp Quý khách hàng hiểu hơn về kỹ thuật tô tường. Nếu Quý khách đang quan tâm cần tư vấn hỗ trợ về thiết kế, xây dựng nhà, sửa chữa nhà hay giải đáp thêm các thắc mắc về tô tường vui lòng liên hệ 0909 857 629 để được hỗ trợ sớm nhất.